Hồi còn sinh viên ở trường đại học, khi học triết học Marx,
chúng tôi được giải thích về tôn giáo rất khác với những điều thường sinh hoạt trong
gia đình. Marx cho rằng, “Tôn giáo là
thuốc phiện của nhân dân” và nó được dùng để giải thích việc đóng cửa các trường
học do tôn giáo quản lý hoặc đập bỏ các miếu thờ ở nhiều nơi trong nước thời ấy.Tuy nhiên, quan sát trong cuộc sống đời thường, nhất là khi có
một quãng thời gian sống chung với một người bà con ở cạnh nhà thờ Núi, thành
phố Nha Trang, tôi nhận ra nhiều điều hay về sinh hoạt tôn giáo.
Trước hết, chuyên cần đi lễ nhà thờ là cách rèn luyện sức khỏe. Hàng ngày, vào khoảng 4 giờ rưỡi sáng, chuông
nhà thờ ngân vang, cô tôi thức dậy đi bộ đến thánh đường làm lễ. Bà đã thực hành lối sống như thế và luôn gửi
trọn niềm tin của mình vào Thiên Chúa cho đến cuối đời vào tuổi 95.
Nhiều hoạt động cộng đồng trong tôn giáo giúp phát triển kỹ
năng sống. Tôi gặp và làm quen một gia đình công giáo ở vùng quê Khánh Hòa. Gia
đình anh sống trong một thung lũng khá biệt lập trong một vùng đồi núi Diên
Khánh. Tuy vậy, sinh hoạt cộng đồng ở nhà thờ mỗi tuần làm cho gia đình anh
không hề bị tách biệt với cộng đồng. Hơn nữa, vợ chồng anh rất quý những cuộc
viếng thăm của khách phương xa và có thể ngồi tiếp chuyện hàng giờ với nhiều đề
tài phong phú chưa hẵn sống ở phố thị mới có được. Ở nước ta hiện nay, nhiều sinh hoạt thiện
nguyện giúp người dân tìm được nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội, cộng đồng mỗi
khi xãy ra những hiểm họa như lụt, bão, hoặc tai nạn giao thông. Thông qua những
chuyến đi xa, làm công tác từ thiện, các thành viên trong nhóm có dịp trò chuyện,
học hỏi lẫn nhau, quả là một môi trường có ích cho sự phát triển kỹ năng sống trong
cộng đồng.
Sinh hoạt tín ngưỡng góp phần phát triển giáo dục. Nhiều thế
hệ người già ở nước ta có được phổ cập văn hóa nhờ vào tham gia sinh hoạt tôn
giáo. Khá nhiều vĩ nhân thế giới có nhiều đóng góp lớn cho nhân loại một phần
hưởng được giáo dục nền tảng từ tôn giáo.
Rõ ràng, khi một xã hội chưa phát triển cao đến một ngưỡng
lý tưởng như Karl Marx mong ước, tôn giáo vẫn là nguồn vốn xã hội cần thiết cho
loài người.