Tuesday, April 30, 2013

Tìm tin như thể tìm chim trên trời


Như thường lệ, những ngày lễ là lúc tôi có dịp sử dụng khoảng thời gian quý giá để giải quyết một số công việc còn dang dỡ.  Số là năm nay Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam gặp khó khăn về kinh phí do ngành xây dựng bị ảnh hưởng của tình trạng bất động sản đóng băng.  Rất nhiều công ty trong ngành phải đóng cửa, khoản thu hội phí của Hiệp hội bị mất đi khá nhiều.  Tuy vậy, đến hẹn lại lên, Liên đoàn Nhà thầu ASEAN vẫn cứ họp thường niên và gửi thư mời Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam. Để khỏi phải thuê tư vấn, chúng tôi được vị Chủ tịch đáng kính tin tưởng, nhờ làm báo cáo để trình cho Liên đoàn.

Thức lâu mới biết đêm dài.  Ngày nay mọi người thường nói “Thiếu thông tin cứ Google là xong”.  Tuy nhiên, để có được thông tin mới, đáng tin cậy và được sắp xếp có hệ thống quả không dễ dàng chút nào.  Ngay cả khi chúng ta vào các trang mạng uy tín và được cung cấp miễn phí, như trang chủ của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á… nếu không kiên trì đọc hướng dẫn sử dụng, người tìm tin cũng sẽ gặp rối rắm như vào mê cung.  Một vấn đề nan giải nữa là số liệu ở những trang này thường có độ trễ khoảng một năm. Như thế, thông tin tra cứu gần như để phục vụ nghiên cứu, học thuật… còn việc sử dụng thông tin để ứng dụng trong kinh doanh gần như “bó tay”.
Nắm được yếu tố này, thông tin cập nhật được các công ty nước ngoài cung cấp dữ liệu kinh tế, thương mại đưa giá chào mời khá đắt.  Một vài trang mạng có tên thương mại rất hấp dẫn thường chào những báo cáo cập nhật không dưới giá 1000 đô la Mỹ.  Số liệu cung cấp phần lớn trích dẫn và được hệ thống hóa từ các nguồn khả tín nói trên, nhưng chỉ nhanh hơn một bước.  Tuy thế, trong thời đại thông tin, tốc độ là thượng đế, các hãng cung cấp dữ liệu thương mại nước ngoài này quả đã khai thác một tài nguyên thông tin béo bở mà chính các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan công quyền trong nước đang sở hữu và phải có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp nói riêng và nhân dân trong nước nói chung sử dụng.

Nói riêng ởThành phố Hồ Chí Minh, công việc khai thác thông tin có sẵn trên các trang chủ của các cơ quan công quyền của Thành phố để làm nghiên cứu tiếp thị, lập kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp hầu như là nhiệm vụ bất khả thi. Chẳng hạn, để tìm ra danh sách các dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang triển khai để định hướng hoạt động cung ứng dịch vụ cho các công trình này, không thể tìm thấy một cách có hệ thống trên các trang chủ của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. May lắm, trên trang chủ của Sở Kế hoạch Đầu tư có công bố danh sách dự án mời gọi đầu tư. Hầu như chính quyền Thành phố chưa hề giao cho một đơn vị làm đầu tàu để tập trung dữ liệu thương mại phục vụ phát triển kinh tế.

Nói rộng ra tầm quốc gia, các trang chủ của các Bộ cũng hầu như cũng mạnh ai nấy làm. Chẳng hạn, nếu cần số liệu về tỷ giá ngoại tệ trong một thời gian dài trong quá khứ, người dùng phải vào trang chủ của Bộ Tài Chính mở từng tệp tin một.  Trong khi đó, công cụ tìm tỷ giá trên trang chủ của Ngân hàng Nhà nước đã có nhưng lại không sử dụng được.  Tìm các văn bản pháp luật của Quốc hội ban hành và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật lại càng rối rắm, phức tạp hơn nữa.  Chưa kể đến việc các trang tiếng Việt và Tiếng Anh không được cập nhật một cách đồng thời. Đây là môt trở ngại vô cùng to lớn trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.  

Thiết nghĩ, để nâng cao uy tín về sự minh bạch, công tác tổ chức và cung ứng thông tin phải được Nhà nước quan tâm đúng mức vì đó là nền tảng đầu tiên. Ngoài ra, thông tin là tài nguyên nên việc tổ chức quản lý, khai thác một cách hiệu quả sẽ tạo động lực cho kinh tế phát triển.