Wednesday, October 14, 2009

Chuyện ngụ ngôn cái hang của Socrates

Một góc Bangkok

Tổ tiên ta có câu, "Trăm nghe không bằng một thấy."  Về sau có người phát triển thêm, "Trăm điều thấy không bằng một lần sờ." Chuyện không đùa chút nào vì đây cũng chính là chân lý phát triển của ngành khoa học thực nghiệm mà nhà triết học Socrates (469-399 BC) sống trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại trước khi Thiên Chúa xuất hiện đã đề cập. Chuyện Ngụ ngôn Cái hang của ông sau đây nhằm giải thích mối quan hệ giữa hai khái niệm tin tưởng (belief) nhận biết (knowledge), hay nói khác đi, tầm quan trọng của tri thức trong phát triển xã hội loài người.

"Một nhóm người tù bị giam dưới hang sâu, đầu bị ép chỉ nhìn về phía trước. Những hình ảnh của các vật chuyển động phía sau lưng họ được ánh lửa chiếu lên thành hang. Vì không quay được phía sau, những người sống lâu ngày trong hang dần dần tin tưởng hình ảnh trên tường kia là thực.

Giả sử sau đó tháo xích cho họ quay lại phía sau. Trước tiên, họ sẽ hoảng loạn vì chuyển động của các vật và mắt họ rất nhức nhối vì ánh sáng của ngọn lửa. Nhưng nếu giải thích đây là vật thực, họ sẽ không tin. Trái lại họ có xu hướng muốn nhìn lại hình ảnh trên vách hang và tin rằng đấy mới là thật.

Bây giờ, giả sử tháo toàn bộ xích và buộc họ phải đi ra khỏi hang. Họ càng hoảng sợ hơn, mắt họ sẽ càng đau nhức hơn. Thậm chí trước ánh sáng mặt trời, mắt họ sẽ có thể bị mù. Vì thế, tạo điều kiện để họ thích ứng dần dần. Ban đầu cho họ nhìn những ngôi sao đêm và mặt trăng trên bầu trời. Sau đó cho họ nhìn vào núi đồi, cây cối phản chiếu trên mặt nước. Cuối cùng, họ có thể nhìn cây cối, núi đồi trong dưới ánh sáng trực tiếp ban ngày. Bấy giờ họ mới tin những gì họ thấy trên tường chỉ là hình ảnh chứ không phải là thực. Cuối cùng họ nhận ra rằng sở dĩ mọi vật có thể nhìn được là nhờ ánh sáng phát ra từ mặt trời. Lúc đó, nghĩ về những người còn sống trong hang, họ sẽ cảm thấy mình còn may mắn.

Theo Socrates, chuyện trong hang đại diện cho sự tin tưởng, chuyện xảy ra dưới ánh sáng ban ngày đại diện cho tri thức. Mỗi sự chuyển đổi từ tin tưởng sang sử dụng tri thức để nhận biết sự vật là mỗi quá trình đau đớn. Nhưng nếu quá trình chuyển đổi đạt được thành công, đó là sự di chuyển đúng hướng.

Đối với những người còn sống trong hang, ý kiến của  những người bước ra khỏi hang là ngu ngốc và sẽ không tin tưởng. Vì thế, theo Socrates, hãy đừng giải thích cho những người đang sống trong hang mặt trời là gì khi chưa kéo họ ra khỏi hang để họ nhìn sự vật thật dưới ánh sáng của nó.”

Ngày nay con người vẫn đối mặt với những vấn đề tương tự xãy ra cách đây hàng ngàn năm. Theo tôi, những ai mong muốn xây dựng một Việt Nam văn minh hiện đại, nên tìm cách đi sang các nước láng giềng như Thái Lan để thấy Bangkok hay sang Malaysia để nhìn KL hoặc thăm Singapore để quan sát.  Nếu được, tìm cách cho cán bộ, nhân viên, con cái đi sang các nước có nền kinh tế phát triển sống, học tập một thời gian để họ sống và rút tỉa kinh nghiệm cho sự phát triển quốc gia về sau.  Đây cũng là cách người Trung Hoa chuẩn bị để tiến hành công cuộc hiện đại hóa đất nước từ nhiều thập niên qua.