Thursday, July 17, 2008
Giải độc lạm phát: nền tảng nằm ở yếu tố con người.
Một mẫu tin trên Báo Giáo Dục Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 7 năm 2008, gây sửng sốt dù đó là sự thực: Thành phố HCM hiện có 14 khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 220 ngàn công nhân, chỉ có 5% công nhân được sống trong nhà lưu trú. Số còn lại sống trong những khu nhà ọp ẹp không đủ quy chuẩn đảm bảo điều kiện sinh hoạt ăn, ở, vệ sinh môi trường. Những nơi này do các hộ gia đình sống kề cận khu công nghiệp tự xây dựng rồi cho thuê lại.
Chúng ta tự hào là một quốc gia có định hướng phát triển dựa trên nền tảng công-nông nhưng mẫu tin trên cho thấy các nhà quản lý chưa có các chương trình hành động gì cụ thể để hỗ trợ cho lực lượng lao động chủ chốt vận hành nền kinh tế. Chúng ta chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng hiện đại cho cấp quản lý, nhưng họ đâu phải là người làm ra sản phẩm trực tiếp? Làm thế nào họ có thể áp dụng kỹ năng này vào thực tế khi người lao động chưa nhìn thấy tương lai của mình trong xí nghiệp, công ty? Chúng ta đầu tư hàng ngàn tỷ vào hạ tầng cơ sở, nhà máy, thiết bị công nghệ hiện đại, những đầu tư này sẽ không thể tạo ra năng suất hiệu quả khi con người vận hành chúng có hoàn cảnh sống thiếu những điều kiện căn bản. Chúng ta đã đầu tư hàng chục tỷ vào các chương trình bình chọn các doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hóa chất lượng cao, chương trình quảng bá thương hiệu quốc gia. Những doanh nghiệp như thế làm sao có chất lượng sản phẩm bền vững khi những người làm ra sản phẩm lại sống trong những căn nhà ọp ẹp, tạm bợ và thiếu vệ sinh như thế? Các chủ doanh nghiệp tìm đâu ra lòng trung thành từ người lao động khi phương tiện đi lại và phòng làm việc, nơi họ sinh sống đầy đủ phương tiện, còn công nhân thì sống ra sao là việc của mỗi người?
Lịch sử luôn là bài học cho những ai muốn tham khảo. Nhà Nguyễn mở mang bờ cõi tận phương Nam vì di dân cả làng, cả họ, đi đến đâu cũng lấy an cư lạc nghiệp làm đầu. Các công ty Nhật làm ra hàng hóa chất lượng tốt và ổn định vì biết chú trọng đến đời sống công nhân. Xưởng sản xuất của công nhân được gắn máy điều hòa trước rồi mới gắn cho quản lý sau. Akio Morita, chủ tịch hãng Sony của Nhật Bản đã kết luận, người Nhật có thể học nhiều thứ ở Mỹ nhưng văn hóa doanh nghiệp thì Mỹ nên học người Nhật. Ông đã sốc khi viếng thăm một xưởng sản xuất của Motorola ở Mỹ và thấy cấp chỉ huy ngồi làm việc trong phòng có trang bị điều hòa không khí còn công nhân sản xuất thì làm việc trước các quạt gió lớn quay vù vù, “Làm thế nào anh có công việc chất lượng từ những ngưởi làm việc trong điều kiện như thế? Lòng trung thành gì anh mong đợi từ công nhân khi họ thấy anh ngồi làm việc trong phòng lớn gắn điều hòa không khí, còn họ thì không?”
Trở lại vấn đề nóng hổi của đất nước. Có một yếu tố nền tảng ít được nhắc đến trong các biện pháp giải độc lạm phát ở nước ta đó là vấn đề năng suất hiệu quả của nền kinh tế mà chìa khóa nằm ở yếu tố con người: họ là công nhân và nông dân. Hơn bao giờ hết, hãy có những chính sách cụ thể tập trung vào đối tượng này.
Subscribe to:
Posts (Atom)