Sunday, June 15, 2008
Một số giải pháp góp phần hạ nhiệt nền kinh tế Việt Nam
Viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn rất sáng sủa vì nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ-thông minh-cần cù, lực lượng lao động phổ thông lớn và giá nhân công vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong quý I/2008 và tiếp tục trong các tháng đầu của quý II/2008, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên quá nóng.
Các yếu tố toàn cầu như giá dầu và giá lương thực tăng cao đã châm ngòi cho bùng nỗ lạm phát trong nước lên đến trên 20% trong tháng năm, so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số thị trường chứng khoán (Vietnam Index) sụt giảm trên 60%. Tiền đồng Việt Nam bị mất giá so với các ngoại tệ khác. Ngoài các yếu tố bất lợi bên ngoài, các yếu tố bên trong như: tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại quá nóng, phần lớn cho vay đầu tư địa ốc và chứng khoán ngắn cũng như dài hạn (trên 50%); thâm hụt cán cân thương mại tương đương 6% trên tổng sản lượng quốc dân (GDP). Những yếu tố bên trong này có căn nguyên từ các vấn đề: giá trị địa ốc bị thổi phồng lên quá cao, cao rất nhiều lần trong năm 2007; tăng đột biến lượng tiền đầu tư trực tiếp, gián tiếp đổ vào Việt Nam (trên 20 tỷ đô la Mỹ); và cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng vượt quá giá trị thực chất, năng suất hiệu quả của các công ty. Trước tình hình này, chính phủ Việt Nam đã và đang có những biện pháp nhằm bình ổn kinh tế.
Biện pháp thứ nhất là rà soát các dự án đầu tư công lớn và tiết giảm chi phí công. Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tại Sa Pa - Lào Cai, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã phát biểu "Ngày 15/6 tới, các địa phương còn lại phải nộp báo cáo việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008. Nếu làm không tốt, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm".
Biện pháp thứ hai là ghìm giữ giá nhóm 10 mặt hàng thiết yếu nhằm ưu tiên tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong cuộc họp giao ban thường trực Chính phủ về công tác điều hành xuất nhập khẩu, hạn chế nhập siêu và quản lý giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu hồi cuối tháng 3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: 10 mặt hàng thiết yếu gồm xăng dầu, điện, than, nước sạch, vé xe buýt, vé tàu hỏa, vé máy bay, xi măng, sắt thép, học phí và viện phí sẽ không được tăng giá cho đến tháng 6-2008, trừ phi có trường hợp đột biến giá. Sau đó, tại cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối tháng 4-2008, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ cho phép tạm ứng trước 95% số lỗ tạm tính theo kế hoạch nhập khẩu cho doanh nghiệp không tăng giá bán lẻ đến tháng 6. Các mặt hàng như xăng dầu, điện, than, xi măng, cước phí giao thông... phải giữ ổn định đến tháng 6.
Biện pháp thứ ba là điều chỉnh lãi suất cơ bản và nới rộng biên độ dao động tỷ giá giao dịch ngoại tệ. Trong tháng 5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã nâng mức ấn định lãi suất cơ bản từ 8,75% lên 12% năm. Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại vì thế đã tăng 18%/năm. Tỷ giá giao dịch tiền đồng VN so với đô la Mỹ cũng đã có mức ấn định mới, di chuyển từ 15,519 đồng/1USD thành 16,233 đồng/1USD. Ngày 11 tháng 6, lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất cơ bản từ 12 lên 14% và phá giá đồng nội tệ thêm 2%.
Có thể nói các biện pháp trên vẫn chưa tạo ra các hiệu ứng khả dĩ có thể xua tan đám mây tạo nên hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt nền kinh tế Việt Nam. Sau 3 tháng kìm hãm giá, ngân sách Nhà nước đang phải chịu sức ép rất lớn. Giá bán than cho sản xuất xi măng, giấy, phân bón chỉ bằng 80% giá bán bình thường trong nước và dưới 50% giá than xuất khẩu cùng loại. Giá bán than cho sản xuất điện hiện nay chỉ bằng 65% giá thành sản phẩm, bằng 55% giá bán than xuất khẩu cùng loại. Tương tự, giá bán lẻ xăng dầu hiện nay bằng 80-90% giá khu vực. Hiện tượng đầu cơ, tích trữ trong khâu phân phối liên tục gây ra những cơn sốt lớn, nhỏ về gạo, thép, xi măng. Càng gần đến ngày 30-6, càng có nhiều người, từ người phân phối đến người tiêu dùng, với quy mô khác nhau, tham gia vào hoạt động tích trữ, găm hàng, chờ đợi thời điểm sau ngày 30-6-2008[1]. Rất có thể hàng hóa đầy trong kho ở cảng ở Tp. Hồ Chí Minh vừa qua, ngoài nguyên nhân sức tiêu dùng giảm còn yếu tố găm hàng chờ giá.
Biện pháp tăng biên độ dao động đồng tiền Việt Nam so với đô la Mỹ cũng chưa có tác dụng đáng kể trong việc điều chỉnh thâm hụt mậu dịch, nhưng lại gây tác động tâm lý khiến nhu cầu ngoại tệ tăng. Tỷ giá tiền đồng trên thực tế đã trượt cao hơn mức ấn định của nhà nước kể từ sau khi nhà nước điều chỉnh lãi suất cơ bản[2].
Nhà nước cần có thêm một số biện pháp bổ sung. Thứ nhất, nhà nước nên tính đến điều kiện bổ sung lượng tiền từ bên ngoài đưa vào Việt Nam thông qua các kênh của ngân hàng nhà nước như vay các tổ chức quốc tế, đầu tư trực tiếp FDI, tiền gửi của người Việt hải ngoại… để bù vào thâm hụt mậu dịch.
Là thành viên của hiệp định thương mại tự do khu vực AFTA và ASEAN-Trung Quốc, Việt Nam cần tính đến khả năng sử dụng quỹ sắp xếp hoán đổi tiền tệ của ASEAN (ASEAN Swap Arrangement-ASA) hoặc một hệ thống sắp xếp hoán đổi song phương (Billateral Swap Agreement-BSAs) trong số các thành viên ASEAN, kể cả với Trung Quốc. ASA hiện đạt quy mô 1 tỷ USD trong khi 16 BSAs đạt đến quy mô tổng cộng 36.5 tỷ USD.
Tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2007 FDI đăng ký trên 20 tỷ USD, song tỷ lệ giải ngân chỉ dừng ở con số khiêm tốn 4,6 tỷ USD. Năm tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký đã lên tới trên 15 tỷ USD và theo ước đoán, vốn FDI đăng ký cả năm có thể lên tới trên 30 tỷ USD[3]. Chính phủ cần có các biện pháp khuyến khích để tỷ lệ giải ngân có thể “đuổi kịp” vốn đăng ký và đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự phát huy hiệu quả thay vì chỉ vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng về con số.
Kiều hối của gần ba triệu người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nguồn quỹ quan trọng. Theo tính toán, Việt Nam nhận gần 5,5 tỷ kiều hối trong năm 2007. Trong điều kiện khó khăn, chính phủ nên có các biện pháp để khuyến khích bà con Việt Kiều gửi tiền về nước. Một trong những biện pháp ấy là nới rộng hay bỏ các quy định mua nhà của người Việt ở nước ngoài. Việc nới rộng các quy định mua nhà của cả các công ty quốc tế cũng cần nên xem xét. Đừng để cho yếu tố tâm lý về chủ quyền tác động đến chính sách kinh tế. Ví dụ, tranh luận về việc đồng ý để cho công ty Toyota mua đất xây nhà máy trên đất của Mỹ, sản xuất xe hơi tiên tiến phục vụ người tiêu dùng trong nước là một bài học về chủ quyền và giải pháp kinh tế kinh điển.
Tất cả các đề xuất nói trên kết hợp với các biện pháp đang tiếp tục điều hành của chính phủ trong các tháng tới sẽ đóng một vai trò như là chiếc phong vũ biểu trong việc thu hút vốn, góp phần giữ vững tỷ lệ tăng trưởng GDP 7% đã được Quốc hội điều chỉnh trong cuộc họp bế mạc ngày 3/6/2008 vừa qua[4].
Võ Đắc Khôi
[1] Báo Đại Đoàn Kết Online, http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=7&categoryId=88&id=7268
[2] Tỉ giá đô la đã vượt ngưỡng 18.000 đồng/1USD ngày 5/6/2008, theo VietNamNet.
[3] Báo điện tử Tổ Quốc, ngày 6/6/2008.
[4] http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/06/3BA02F36/
Subscribe to:
Posts (Atom)