Sunday, November 25, 2007

Ngày tạ ơn


Bạn có bao giờ mang ơn ai không? Thật ra, trong cuộc đời chúng ta ai mà chẳng có duyên nợ với người, với đời. Thậm chí hồi nhỏ tôi còn được nghe nhiều chuyện thần linh, chẳng hạn, cá Ông cứu người, Quan Âm Bồ Tát xuất hiện trên biển Đông cứu nạn ngư phủ...

Làm ơn và trả ơn xuất phát từ lòng nhân đạo, tính tự nguyện của mỗi người. Hồi bé, sau mỗi vụ mùa, tôi thường thấy cha tôi xay một thúng gạo mới đặt giữa sân, thắp nén nhang để tạ ơn trời đất có được vụ mùa thành công. Trong suy nghĩ của chú bé hồi ấy, tôi thấy rất lạ, sau khi nhang tàn, thúng gạo vẫn còn nguyên. Khi tôi thi đậu vào lớp sáu, mẹ tôi nấu chè xôi cúng để tạ ơn tổ tiên đã phò hộ cho con cháu thi đỗ. Hành vi của cha mẹ tôi cùng những ví dụ sống điển hình của cha tôi đã tạo cho tôi thói quen giúp đỡ người khác.

Năm 1994 khi sang Mỹ du học, cuộc sống ở đấy cho tôi một số cơ hội quan sát cách làm từ thiện của người dân Mỹ.

Ngày xưa, một nhóm người Anh đã xuống tàu vượt biển đi tìm cuộc sống mới ở Tân Thế Giới. Sau 66 ngày đêm trên một chuyến hành trình đầy chết chóc, họ đã nhìn thấy đất liền và cuối cùng đặt chân lên một cảng biển giàu tài nguyên ở Plymouth, nay thuộc bang Massachusetts. Do không được chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt ở xứ lạ, họ bị đói, rét và có nguy cơ chết trước khi mùa xuân đến. May thay, người da đỏ đã đến kết bạn và cung cấp lương thực, dạy cách săn bắn, trồng tỉa và vì thế, những mùa đông sau, những người nhập cư không còn phải đói khổ. Là những nông dân ở Anh trước đây, khi cuộc sống khá lên, họ có thói quen nghĩ đến tổ chức lễ ăn mừng. Tại buổi tiệc tạ ơn, họ đã mời thổ dân da đỏ, những người đã cứu mạng họ trong những ngày đầu khó khăn trên vùng đất mới. Bữa tiệc có lúa mì, lúa mạch, bắp, bí ngô, cá, nai và tất nhiên là có cả gà rừng nữa. Vài năm sau, những người mới đến lại bị mất mùa. Thủ lĩnh của họ yêu cầu mọi người nhịn ăn và cầu nguyện một ngày. Ít lâu sau, trời đổ mưa, vụ mùa được cứu. Vì thế, ngày cầu nguyện ấy được chọn làm ngày tạ ơn. Về sau, các đời Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn ngày thứ Năm của tuần thứ tư thuộc tháng 11 là ngày lễ chính thức của nước Mỹ.

Tháng 11 năm 1994, vừa đến Mỹ được vài tháng, chúng tôi được Viện Kinh Tế thông báo, nếu ai không có gia đình vào ngày Lễ Tạ Ơn có thể đăng ký đến ăn tối với một gia đình người Mỹ. Tôi đã làm thế và được mời đến ăn tối tại một gia đình trước đó không hề quen biết. Một ngày sống trọn vẹn với gia đình, được đối xử như là thành viên trong nhà. Tôi không hề tìm thấy một chút gượng gạo, ban ơn trong ánh mắt và cử chỉ của toàn bộ thành viên gia đình. Bữa ăn có gà tây, khoai tây nghiền, bánh nhân táo. Đến hơn nửa đêm, toàn bộ gia đình lên một chiếc xe van đưa tôi về cư xá.

Lúc ở San Francisco, tôi quẹo xe nhầm vào đường một chiều. Xe chạy như nước chảy vào giờ cao điểm khiến tôi không thể quay xe. Đang lúng túng, một thanh niên có thân hình như hộ pháp, xăm mình, đầu trọc, ngảnh mặt hỏi, "Ông gặp rắc rối hả? Đợi một lát nhé!" Vài phút sau, anh ta đến trước xe tôi, ngừng xe lại, tạo cho tôi một khoảng trống để quay xe.

Lần cuối cùng trước khi rời nước Mỹ, do đồ đạc khá nhiều, tôi gọi điện cho tổ chức Goodwill để tặng các món đồ cũ. Nhân viên tiếp tân yêu cầu tôi đưa đến chứ không cho người đến nhận. Tôi hiểu ra rằng, tự nguyện cho ai thứ gì phải đích thân mình mang đi chứ không chờ người đến quyên góp.

Ngày tốt nghiệp là ngày trọng đại nhất trong đời. Vào ngày đó, cha mẹ, ông bà, anh em thường có mặt tại buổi lễ. Khi thấy tôi một mình, bà ngoại của bạn cùng lớp hỏi về gia đình tôi. Khi nghe nói, gia đình của tôi ở xa không đến được, bà bật khóc.

Nhiều năm qua, thỉnh thoảng tôi thường đến nhà tình thương để chơi với trẻ mồ côi. Tôi tự nhủ, hãy cố gắng chỉ một ngày trong năm để làm những việc như thế. Mời bạn xem ảnh các trẻ mồ côi ở Mái Ấm Mai Tâm do cha Toại quản lý và anh Nguyễn Tuấn Khanh chụp theo đường dẫn: http://kanenguyen.blogspot.com/.

Các bạn có tin không? Một số những đứa trẻ này đang mang trong người mầm bệnh HIV quái ác.